Tìm việc trời tây

Quan Hoang
6 min readOct 13, 2020

Bài viết này tổng hợp quá trình cũng như kinh nghiệm bản thân mình có được sau quá trình tìm việc ở châu Âu, ghi lại đây để có bạn nào cũng đang có kế hoạch như mình có thêm nguồn tham khảo. Tiện thể khoe luôn là mình có job UK rồi 😆

Photo by Robert Bye on Unsplash

Chọn quốc gia
Trừ khi bạn có ý định tìm 1 công việc remote, nếu không bạn cần tìm 1 công ty hỗ trợ bạn apply working visa tại nước sở tại. Có 1 số yếu tố vợ chồng mình cân nhắc trước khi lựa chọn 1 quốc gia để apply:

  • Độ hot của từng quốc gia sẽ tỉ lệ thuận với số lượng người tìm việc ở quốc gia đó, có nghĩa là tỉ lệ chọi và yêu cầu cũng cao hơn. Ví dụ như xác suất tìm được 1 công việc ở US khó hơn nhiều so với tìm ở Đức/Úc/Anh. Mặc dù công việc bên US nhiều hơn nhưng dân toàn thế giới đều muốn tới US, nên mình né mấy thằng như US ra.
  • Ngoài độ hot bạn cũng nên cân nhắc về quy mô nền kinh tế, nền kinh tế lớn đồng nghĩa với cơ hội việc làm nhiều hơn. Ví dụ như tìm 1 việc ở UK/Đức sẽ dễ hơn các nước Bắc Âu/Hà Lan vì công việc ở UK/Đức nhiều hơn, lực lượng lao động trong nước không đủ, nên sẽ cần nhiều lao động người nước ngoài vào làm việc.
  • Chính sách hỗ trợ cho người phụ thuộc: Vợ chồng mình có con nhỏ, nên 2 đứa sẽ chọn những nước cho phép người phụ thuộc đi làm, con cái được đi học (có hỗ trợ của chính phủ), các chính sách về y tế cho bản thân và gia đình. Các nước châu Âu có chế độ an sinh xã hội khá tốt nên vợ chồng mình ưu tiên châu Âu.

Tìm hiểu cách thức phỏng vấn

Sau khi chốt được mình muốn đi đâu rồi, tiếp theo là tìm hiểu vị trí mà bạn muốn ứng tuyển yêu cầu những kiến thức nào. Mình hay lên LinkedIn/StackOverflow, tìm keyword liên quan tới vị trí mình muốn làm (DevOps/SRE/Infrastructure…), xem họ cần những kiến thức gì. Mình xem kiến thức nào mình còn thiếu, note lại tìm hiểu sau. Khâu này không cần quá chi tiết, bạn không cần biết hết mọi thứ trên JD, chỉ cần tập trung vào những thứ mà nhiều công ty yêu cầu là được.

Ngoài đọc JD ra, mình hay tìm đọc các bài viết về trải nghiệm phỏng vấn ở các công ty lớn (Google/FB…) để xem quá trình phỏng vấn có những vòng nào, mỗi vòng họ phỏng vấn cái gì, những kiến thức gì mình cần bổ sung để qua được các vòng phỏng vấn đó.

Ôn luyện

Cái đầu tiên cần là tiếng Anh, cho dù bạn có chuẩn bị tốt về kỹ thuật nhưng không diễn đạt để đối phương hiểu được thì không có ý nghĩa gì cả. Có nhiều cách để cải thiện tiếng Anh (Youtube nghe/xem phim, học online/offline …). Do đặc thù ngành CNTT phải đọc nhiều tài liệu tiếng Anh, nên mình đọc khá tốt. Mình chỉ cần tìm cách cải thiện khả năng nghe/nói, cách của mình là rải CV các công ty ở VN mà phỏng vấn bằng tiếng Anh, rồi cứ thế đi phỏng vấn. Vài lần đầu nghe hơi lùng bùng, nhưng phỏng vấn nhiều sẽ quen. Quá trình phỏng vấn cũng giúp mình tìm ra những vấn đề kỹ thuật mà mình cần phải cải thiện, 1 công đôi việc.

Mình apply vị trí liên quan đến DevOps, ở VN thường ít khi có online coding/system design/algorithm nhưng khi PV ở nước ngoài, 3 vòng này gần như là bắt buộc. Nên mình phải tự tìm cách improve vì công việc hàng ngày ít khi đụng tới.

Về kiến thức thuật toán mình đăng ký lớp học thuật toán, học trên lớp được tổng hợp lại kiến thức + phải làm bài tập nên mình sẽ tiến bộ nhanh hơn. Vì mình không apply các vị trí liên quan tới development nên mình cũng không cần học sâu lắm, biết được kiến thức cơ bản là ổn rồi.

Về coding, công việc hàng ngày không có cơ hội code nhiều, mình hay lên Github tìm các open source project, xem có bug/feature gì mình có thể contribute được thì tạo PR lên, vừa tăng khả năng code, vừa build Github profile luôn. Mấy công ty nước ngoài thường có ưu tiên những người có đóng góp cho cộng động, vì các công ty đều dùng hoặc khuyến khích dùng opensource.

Còn về thiết kế hệ thống thì mình cũng chưa ôn, hôm phỏng vấn on-site công ty cuối cùng, mình ôn có 1 tuần rồi vào chém thôi, hên sao đậu ;)).

Rải CV & phỏng vấn

Mình có đọc qua vài bài hướng dẫn cách làm CV để thu hút HR, cụ thể thì các bạn có thể tìm trên mạng, nhưng túm váy lại có 1 số điểm:

  • Tập trung vào các project có thể cân đong đo đếm được thay vì list ra 1 danh sách cách công nghệ/tool mà bạn đã làm (hoặc nghe) qua.
  • Đừng viết quá dài, 1 trang A4 là đủ vì HR họ không có thời gian đọc hết CV của bạn đâu.
  • Tuỳ vào mỗi JD, sẽ viết lại/sắp xếp lại thứ tự sao cho những thứ mình làm liên quan tới JD lên trên đầu, để HR đọc được đầu tiên.

Mình chưa thống kê cụ thể nhưng từ khi mình lên kế hoạch tìm việc nước ngoài, mình rải trên dưới 100 CV, hơn 50% là không nhận được câu trả lời, 40% có email trả lời kiểu ‘We have decided not to proceed…’. Có khoảng 10 công ty phỏng vấn mình, đi tới vòng on-site 3 công ty, chỉ có 1 công ty có offer. Mình nói để các bạn chuẩn bị tinh thần trước, trừ khi bạn có profile khủng nếu không các bạn phải tập làm quen với việc gởi CV nhưng không nhận được trả lời.

Note: Sau này, khi mình làm Visa, mình mới biết UK có 1 danh sách các công ty có thể hỗ trợ Visa cho người nước ngoài . Trước khi apply, các bạn vô check thử xem công ty đó có sponsor Visa hay không, đỡ mất công apply rồi ngồi đợi. Các nước khác có thể cũng có 1 danh sách tương tự, các bạn tự tìm nhé.

Sau mỗi lần phỏng vấn, bạn sẽ thấy được mình thiếu cái gì để ôn luyện thêm, sau đó lại tiếp tục phỏng vấn. Thường mình apply + phỏng vấn theo đợt vì sau khi bạn gởi 30 cái CV mà đều fail, bạn cần thời gian để sốc lại tinh thần, cái quan trọng nhất là không được nản. Chúc các bạn thành công.

--

--